top of page
home cover.JPG

Nông nghiệp vị sinh


Vì sao nói rằng đối với người Mỹ hiện nay, trồng trọt nông nghiệp chính là bảo vệ đất nước? Làm sao để có nguồn phân bón tốt, giá rẻ, nhanh chóng và thậm chí là miễn phí? Mời xem video “phân bón vĩnh cửu - nông nghiệp vị sinh" Link video gốc: https://www.youmaker.com/v/XZa47Q9Xr4VM



IMO (Indigenous Micro-Organism) hiểu nôm na là phương pháp nuôi vi sinh vật có ích ở địa phương của quý vị (vì vi sinh vật mỗi nơi mỗi khác nhau). Nhưng đây không phải là phương pháp IMO do phương Tây truyền dạy, mà là phương pháp đa năng do một nhóm kỹ sư nông nghiệp Việt Nam đứng đầu là thạc sĩ Hoàng Sơn Công, tìm ra và công bố từ năm 2018 tại nhóm Facebook có tên Liên Minh Nông Nghiệp Tử Tế. Chúng tôi gọi nó là phiên bản IMO Việt Nam cho dễ phân biệt.


Nguyên lý của nó rất đơn giản: nuôi một nhóm các vi sinh vật và nấm men có lợi, giống như một nhóm công nhân tí hon nhưng lành nghề, hoà thuận để giúp quý vị phân giải các chất hữu cơ một cách đặc biệt nhanh chóng. Quá trình này hệt như quá trình phân huỷ trong tự nhiên nhưng diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn vì có sự phối hợp của nhiều loại vi sinh. Quý vị cho vi sinh phân giải loại chất hữu cơ nào thì sẽ thu được sản phẩm đó:

  • Phân giải thịt cá, bã đậu nành thì có phân bón đạm hữu cơ

  • Phân giải ớt, sả, vỏ chanh thì có thuốc trừ sâu

  • Phân giải mật ong, trái cây thì có thức uống là mật ong lên men, nước trái cây lên men v.v.

  • Phân giải chanh, quả bồ hòn thì có nước tẩy rửa đa năng

Khi thao tác làm IMO, cần chú ý vệ sinh tay sạch sẽ và giữ các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, cọ rửa kỹ các xô, bình đựng sau khi dùng xong, bởi vì các vết bẩn và bề mặt đồ vật luôn có các vi khuẩn, có nhiều vi khuẩn có hại, dễ làm ảnh hưởng tới kết quả nuôi cấy vi sinh nếu không chú ý.



Trong nhóm Liên Minh Nông Nghiệp Tử Tế công bố nhiều biến thể công thức làm IMO bởi vì có quá nhiều loại chất hữu cơ có thể dùng để nuôi vi khuẩn, vì thế dễ gây rối rắm cho người mới bắt đầu. Dưới đây là hướng dẫn cách làm dung dịch IMO gốc phổ biến nhất:

Cách làm:

1. Chuẩn bị:

- Thùng có nắp đậy dung tích 10 lit: 1 chiếc

- Nước sạch, loại để uống: 10 lít

- Chuối: 1 trái (50gr)

- Bí đỏ hoặc đu đủ: 0,5kg

- Sữa chua hộp nhựa vuông: 1 hộp (50gr)

- Đường mía (hoặc rỉ mật đường): 0,5kg

- Men tiêu hóa bất kì: 10 gói hoặc 5 ống.

- Viên men rượu, tán nhỏ: 5 viên (20gr, loại men để ủ rượu). Nếu không có viên men rượu, thay thế bằng: 100ml rượu vang tươi, hoặc 100ml bia tươi, hoặc 20 thìa cà phê cơm rượu nếp.

2. Thực hiện:

Nấu chín bí đỏ + chuối + đường, hoặc băm nhỏ

Trộn tất cả nguyên liệu vào thùng chứa, thêm nước tổng 10 lít.

Đậy nắp nhưng không đậy kín.

Khuấy đều mỗi ngày. Hoàn thành sau 7 ngày.

3. Kiểm tra chất lượng:

- MÙI: Mùi rượu, chua nhẹ.

- VỊ: Nước ngọt nhẹ, hơi chua, có vị rượu.

- QUAN SÁT: có váng bọt xốp trên mặt

- KHỬ MÙI: Hòa một ít dung dịch trong bình với nước theo tỉ lệ 1:20. Cho vào bình xịt, phun sương vào chỗ có mùi hôi. Trong 5 phút hết mùi trong không khí là đạt (còn vật gây mùi nếu đưa sát mũi vào thì vẫn có thể ngửi thấy mùi hôi). Ví dụ: nách, giày, phân chó mèo lợn gà, cống rãnh, bãi rác nhỏ, chén mắm tôm, chén mắm ruốc... Lưu ý: Phun sương mù từ cao xuống, phun vào vật bám rồi phun thẳng vào vật gây mùi.

4. Nhân IMO để sử dụng

Công thức dễ làm nhất:

- IMO gốc: 1 lit

- Cám gạo 1 vốc tay (50gr)

- Đường mía hoặc rỉ mật: 1kg

- Nước sạch 20 lit

- Thùng đựng > 22 lit có nắp đậy

Cho tất cả nguyên liệu vào thùng, cho IMO gốc vào sau cùng. Khuấy đều 1 lần/ngày. Sau 5 ngày là dùng được.

Sau khi lấy IMO ra dùng, ta lại thêm nước vào thùng sao cho lượng nước mới không quá 10 lần nước IMO cũ.

Để kiểm tra vi sinh nhân lên có đạt không, lại làm khử mùi như ở bước 3.


Nguyên lý để biến tấu công thức:

Có vô số loại thức ăn để nuôi IMO nhưng nhìn chung thì chỉ là thứ này: chất hữu cơ. IMO 4 có 2 loại sinh vật. Đó là Vi khuẩn và Nấm men. Vậy câu hỏi là chúng sẽ ăn gì?

- Cám gạo: cần phải có, nhưng chỉ dùng một nắm thôi, để nó có chỗ nuôi men rượu ở lớp váng bề mặt. Dù có 1000 lit hay hơn nữa, cũng chỉ cần đủ để tạo váng nổi và kết hợp với một trong số các nguyên liệu dưới đây:

+ Giá đỗ: Nghìn lít cũng chỉ dùng 1kg giá đỗ, bởi nó là thứ mà các nhà khoa học nuôi cấy vi sinh trong phòng thí nghiệm. Xay nát, giã nhỏ dùng tươi hay luộc lấy nước đều được. + Chùm ngây: một nắm lá chùm ngây cũng nuôi cả nghìn lít IMO. Nếu chưa mục tan thì không cần bổ sung, chỉ cần khuấy.

+ Thân cây chuối: Vài khoanh là nuôi được cả nghìn lít IMO bằng cách nhân từ từ. Cứ thêm nước là có IMO mới, miễn là trong thùng còn đủ IMO cũ. Chuối ở nông thôn thì quá nhiều. + Trái cây chín: mít, sầu riêng, bí đỏ, đu đủ, vải, nhãn, mãng cầu... miễn là có vị ngọt, tức là có chứa đường.

Liều lượng không cần quá cứng nhắc. Bao giờ nguyên liệu mục tan thành nước không còn bã mới cần bổ sung.

Lưu ý: Riêng quả chuối chín cho nhiều sẽ ra IMO Giấm, chạy về IMO đơn chủng. Nên tránh dùng khi nhân IMO.


5. Giải thích nguyên lý và nguyên liệu:

IMO Việt Nam gồm 4 thành phần chính:

  • Vi sinh vật ở địa phương

  • Vi sinh vật có lợi được bản địa hóa, làm quen với điều kiện địa phương

  • Nấm men có lợi

  • Enzyme do vi sinh vật và nấm men tạo ra.

Cùng với Nước, Dinh dưỡng cho Vi sinh vật và các thành phần khác. Mỗi thành phần có vai trò như sau:

Nước: Là môi trường sinh sôi, phát triển. Cần nước sạch không có tạp khuẩn để việc nhân, nuôi lợi khuẩn, nấm men ban đầu với số lượng ít được bảo đảm không bị lấn át. Đặc biệt nước cũng không được chứa các chất ức chế vi sinh vật như vôi, xà phòng, Clo… Nếu dùng nước máy có Clo thì cần để trong chậu 2 ngày cho Clo bay hơi hết.

Không khí bản địa: Nghĩa là có oxy, nitơ mang theo các vi khuẩn háo khí tham gia vào “nhóm công nhân", chúng sẽ tăng số lượng lên rất nhanh vì gặp môi trường thuận lợi, dư dinh dưỡng, thừa không gian phát triển. Do vậy, cần đậy nắp bình hờ để không khí vẫn lọt vào được và tránh bụi rơi vào trong dung dịch, nhưng không đậy chặt.

Trái cây: Chứa dinh dưỡng và có sẵn các vi sinh vật bản địa. Nên chọn loại trái cây chín có vị ngọt (nhiều đường) như mít, xoài, thanh long… trái cây chín tự nhiên tốt hơn trái cây chín ép mua ngoài chợ. Nếu quý vị mới làm thử thì nên tránh chọn chuối, vì chuối là loại đặc biệt dễ làm cho cả dung dịch IMO đi theo hướng đơn chủng (giấm). Trái cây cần xắt nhỏ để các vi sinh có nhiều bề mặt để làm việc và phân giải nhanh hơn.

Đường: là nguồn dinh dưỡng trung gian, nuôi cả cộng đồng vi sinh. Nên chọn đường phèn, đường mía nâu sẽ tốt hơn là chọn đường trắng tinh luyện. Nhưng đường trắng vẫn có thể dùng bình thường.

Sữa chua: Chứa lợi khuẩn probiotic đã có sẵn, sau được bản địa hóa. Ngoài ra sữa chua cũng có nhiều dinh dưỡng. Nhưng nếu cho quá nhiều sữa chua, sẽ dẫn đến độc tài, dẫn dắt tập thể vi sinh vật đi theo hướng đơn chủng (giấm).

Men tiêu hóa: Tác dụng giống như sữa chua, có thêm thì quá trình sẽ nhanh và tốt hơn. Không có cũng không sao.

Men rượu: Chứa các loại nấm men (họ Saccharomyces), tiết ra enzyme giúp phân giải tinh bột, đường trong trái cây. Men rượu nên mua loại tốt ở trong các lò rượu hoặc nơi sản xuất truyền thống, hoạt tính sẽ mạnh hơn rất nhiều so với men mua phổ thông ngoài chợ. Nên bảo quản men trong ngăn mát tủ lạnh để dùng được lâu.

Phơi nắng: giúp giữ nhiệt độ ấm 37-40 độ C trong dung dịch, đây là nhiệt độ tối ưu giúp vi sinh hoạt động mạnh. Nhiệt độ đóng vai trò rất quan trọng, nếu làm IMO ở xứ lạnh thì sẽ phải đợi lâu hơn ở xứ nhiệt đới.


6. Làm phân bón từ rác hữu cơ

Lấy 1 thùng đủ lớn có nắp đậy (to nhỏ tùy theo nhu cầu gia đình), Trong thùng nên có túi lưới để rác không trôi lung tung. Đổ vào dung dịch vi sinh IMO.



Rác hữu cơ bỏ vào túi, ngâm ngập vào dung dịch IMO sẽ tự tan rất nhanh. Rác nhanh tan hơn nếu giũ túi trong thùng hàng ngày.

Rác tan thành dung dịch đậm đặc - đó chính là phân bón, dùng hòa loãng tưới cây hoặc đổ ra cống. Sau đó lại bổ sung thêm dung dịch vi sinh IMO vào thùng sao cho ngập rác là được.




Các gia đình có thể không phải đi đổ rác trong cả tháng.

Các hộ gia đình không trồng trọt có thể để thùng này ở trước cửa nhà để các nông dân có thể chắt nước phân bón về bón rau.

Phân vi sinh sau 24 giờ là dùng được.

Nếu đem tưới cây thì tỷ lệ pha loãng là 1:100 cho tới 1:150 tuỳ theo loại cây. Nếu tưới cho một khu vườn thì cần thử nghiệm trước lên một vài cây và quan sát trong vài ngày. Vì mỗi cây có giới hạn chịu độ pH khác nhau, mà dung dịch phân vi sinh có tính axit nên cần pha loãng trước khi tưới. Có thể phun trực tiếp lên lá hoặc bón gốc.

8. Làm phân đạm / lân / kali

Nguyên lý:

Ngâm thịt, cá hoặc bã đậu nành vào dung dịch IMO, sẽ thu được phân đạm

Ngâm thân cây chuối, vỏ chuối, quả chuối sẽ thu được phân kali, phốt-pho

Ngâm xương các loại hay vỏ trứng sẽ thu được phân phốt-pho, canxi


Đặc biệt, nếu ngâm cành, lá của cây chùm ngây hay cốt khí là có đủ mọi thứ, cộng thêm nhiều nguyên tố vi lượng. Chùm ngây là một loại cây với hàm lượng dinh dưỡng rất cao và là loại cây rất quen thuộc trong nông nghiệp hữu cơ, xin mời đọc thêm tại đây.

Như vậy quý vị nên trồng chuối, chùm ngây tại vườn, kết hợp với đi thu gom ít cá ươn, thịt thiu, thức ăn thừa là đủ cung cấp dinh dưỡng cho cây.

Có thể kết hợp nhiều thành phần vào ngâm chung, ví dụ như: cá + chuối + vỏ chuối + trứng gà + vỏ trứng là một loại phân bón tổng hợp thường dùng.

Cách làm:

Phân đạm cho 1000 m2 rau. Chuẩn bị:

  • Cá tạp 2 kg (hoặc ốc bươu vàng, bã đậu nành)

  • IMO gốc 10-20 lít. Tỷ lệ 1 kg cá tạp cho 10 - 20 lít IMO gốc

  • Quả dứa (thơm, khóm) 1kg, để cả vỏ và cắt nhỏ

  • Thùng chứa 20 lít.

  • Nan tre, hoặc rổ, hoặc túi lưới

Bước 1: Tráng rửa: Đổ ngập cá vào 1 lít IMO, khuấy đều. Mục đích là để rửa trôi hại khuẩn. Sau đó đổ nước ra. Nước này hòa loãng 1:100 tới 1:150 có thể tưới cây.

Bước 2: Bỏ cá và dứa vào thùng chứa. Sau đó, đổ IMO gốc vào khuấy đều. Lấy nan tre ấn chìm cá, không để nổi. Nếu bỏ cá vào túi lưới thì cần để vật nặng ở đáy cho túi chìm xuống. Đậy nắp thùng, không đậy kín. Khuấy đảo hàng ngày.

Có thể chắt nước phân bón để sử dụng sau 2 ngày. Đổ IMO vào thùng để bổ sung cho phần lấy đi.

Lặp lại quy trình đến khi tan hết vật liệu (cá, ốc)

Cách tưới:

Mỗi lít phân bón này cần hòa với 100 lít nước và phun sương lên 1000 m2 rau vào chiều mát. Nếu ủ lâu (7 ngày) thì cần pha loãng với tỷ lệ 1:200

Sau 24 tiếng, lá rau căng mọng, xanh mơn mởn và có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Cây ăn quả cũng vậy. Hầu hết đạm đã được phân giải ở mức nano, thấm qua khí khổng của lá. Lưu ý, chỉ phân bón nguồn hữu cơ mới làm được cách này. Một khu vườn 1000 m2 rau ngắn ngày chỉ cần 2 đến 3 lần phun như vậy.

Tỷ lệ an toàn khi sử dụng: rau ăn lá, hoa: >1:200, cây ăn trái: 1:100 tới 1:200

9. Làm thuốc trừ sâu:

Thuốc trừ sâu từ IMO an toàn cho con người và môi trường, nó bao gồm những thành phần sau:

  • IMO 10 lít

  • Củ riềng (băm nhỏ) 1kg

  • Củ sả (băm nhỏ) 1kg

  • Tỏi (băm nhỏ) 200g

  • Lá mùng tơi hoặc lá dâm bụt 1kg

  • Vỏ bưởi hoặc cam quýt (nếu có) 1kg

Các thành phần của phân đạm / lân / kali có thể bỏ vào ngâm chung và dùng chung

Chế biến:

Băm nhỏ nguyên liệu (trừ lá mùng tơi), cho vào thùng chứa, khuấy đều hằng ngày. Dùng được sau 7 ngày, xay nhuyễn lá mùng tơi trộn vào dung dịch để tăng khả năng bám dính trên lá.

Bổ sung IMO tiếp cho phần bã để sử dụng khi cần

Cách dùng:

Hòa loãng theo tỉ lệ 1:50 tới 1:100, phun lá vào sáng sớm hoặc chiều mát

Giải thích nguyên lý:

  • Công dụng chính của IMO là phân giải các loại chất hữu cơ trừ sâu. Công dụng phụ là diệt thêm hại khuẩn, nấm mốc, đồng thời dưỡng đất.

  • Các loại chất bám dính là: nha đam, mùng tơi, rau đay, thân cây vừng, cây sống đời, thân hoặc lá đu đủ. Mục đích là làm dung dịch bám lá cây nhiều hơn, lưu lại lâu hơn, bảo vệ lá, hoa, quả. Các loại này không nên ngâm IMO, mà xay nát pha khi phun.

  • Chất cay nóng làm sâu ăn lá bị tổn thương. Có thể dùng: ớt, sả, gừng, tỏi, ớt, lá quế, bột quế, bạc hà… loại nào rẻ và dễ tìm thì dùng

Các thành phần dưới đây có thể bổ sung tùy ý:

  • Chất có vị đắng, nồng làm sâu chán ăn, lấy từ các loại cây không sâu bệnh, bao gồm: xà cừ, bạch đàn, keo, mật gấu, sài đất, cúc vạn thọ, xuyến chi...

  • Tinh dầu giúp xua đuổi bướm, côn trùng bay. Bao gồm: vỏ bưởi, cam, chanh, sả, bạc hà, quế, hồi, hương nhu, bạch đàn, long não...

  • Acid hữu cơ gây ung trứng côn trùng. Là các dòng acid lactic như nước dưa, giấm, cơm mẻ... hoặc men rượu nhân ra với tinh bột rẻ tiền và hòa loãng. Pha vào dung dịch IMO khi phun.

  • Nấm ký sinh trùng: Khiến côn trùng bị ký sinh, trở thành dinh dưỡng cho nấm tới chết. Bao gồm nấm metarhizium, nấm xanh, nấm trắng, nấm đông trùng hạ thảo. Pha vào dung dịch IMO khi phun.

  • Chất ngọt để thu hút kiến, ong tới diệt sâu: ví dụ như mật mía. Pha vào dung dịch IMO khi phun.

  • Nấm đối kháng: Cách nhân nuôi nấm đối kháng khá đơn giản. Quý vị mua về 1kg nấm, trộn đều với 10kg cám gạo hoặc cám ngô, tưới nước đường lên và ủ. Khi hỗn hợp nóng quá thì đảo đều và ủ lại. Đảo trộn vài lần sẽ có dư dả nấm đối kháng để dùng, pha luôn vào hỗn hợp trừ sâu khi phun.

Khi phun, thử nghiệm tỉ lệ khác nhau để có kinh nghiệm tùy theo loại cây, mật độ sâu bệnh, tình trạng vườn, thời điểm ra hoa, kết quả...

Loại thuốc trừ sâu này diệt được cả rệp sáp, bọ nhảy, nhện đỏ, sâu vẽ bùa và các loài sâu có hại ăn lá. Nó không ảnh hưởng tới các loài thiên địch có ích ăn côn trùng.

Thời gian phun cần đủ lâu để cắt đứt 1 vòng đời của các loài gây hại. Nếu phun liên tục 15 ngày thì 30 ngày sau đó rất nhàn.

-------

Tổng hợp từ các bài viết của thạc sĩ Hoàng Sơn Công, nhóm nghiên cứu Kiku Bara, Liên Minh Nông Nghiệp Tử Tế kết hợp cùng kinh nghiệm thực tế.


---***---

Trước thời cuộc khi đa số các kênh truyền thông lớn đều bị thao túng và không còn đưa tin sự thật, mang đến nguy hiểm rất lớn cho tính mạng và tương lai của người dân, WE ARE 1 media ra đời để mang đến sự thật và lợi ích cho cộng đồng người Việt từ những nguồn thông tin chính xác.

WE ARE 1 media mang đến cho giới trí thức Việt những câu chuyện, video phẩm chất cao, với góc nhìn hiếm có để giúp Quý vị có thể ra các quyết định đúng đắn trong thời cuộc và mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng Việt.

WE ARE 1 media gồm những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông và báo chí, đưa tin qua Email newsletter, Truth Social

*ƯU ĐIỂM: Video phẩm chất cao, phù hợp với tầng lớp trí thức - Các câu chuyện mang tính giáo dục gắn với thời cuộc - Nội dung trường tồn với thời gian - Hình ảnh lấy từ cuộc sống đời thường, giá trị thẩm mỹ cao.

*BẢN QUYỀN:

WE ARE 1 media là chủ sở hữu bản quyền của các video đăng trên kênh truyền thông này, trừ khi có ghi chú khác trong phần mô tả của video. Không cho phép re-up/ đăng lại các video thuộc bản quyền của WE ARE 1 media

*FAIR USE: Áp dụng Điều 107- Luật Bản Quyền Mỹ

Quan điểm đưa ra trong video của WE ARE 1 media không có ý định phỉ báng bất kỳ tôn giáo, nhóm thiểu số, tổ chức, công ty, cá nhân hay bất kỳ ai.

Hãy follow chúng tôi WE ARE 1 media

(*Truth social: đã mở cửa cho người dùng ở Việt Nam và toàn thế giới

322 views

Recent Posts

See All
bottom of page